Blog Post

Lịch sử về cà phê

Cimbali Vietnam • thg 12 07, 2017


Như bao câu truyện ly kỳ khác, câu truyện về sự ra đời của cà phê bắt đầu với rất nhiều truyền thuyết:

Không biết ai là người đầu tiên trồng ra cây cà phê, cũng không rõ chúng từ đâu tới. Nhưng cách mà chúng được phát hiện vô cùng huyền bí lại rất đậm chất thơ. Truyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa tại xứ sở Ethiopia xa xôi, có một vùng đất tên là Kaffa. Tại đây, người dân sinh nhai bằng nghề chăn thả gia súc, phổ biến nhất là chăn dê. Một ngày nọ, một người chăn dê dẫn đàn dê về nhà, trên đường về chúng nhấm nháp những quả lạ bên đồi, có màu nâu đỏ sáng bóng. Tuy nhiên người chăn dê quá mệt sau một ngày làm việc vất vả để chú ý chuyện đang xảy ra. Khi màn đêm buông xuống, bóng tối mờ nhạt dần bao trùm khắp khu làng, Những ngôi sao hiện lên mờ ảo rồi sau đó rõ dần. Chẳng bao lâu mặt trăng bắt đầu ló rạng, to tròn như chiếc mâm bạc đặt trên bầu trời trong vắt. Dưới ánh trăng khuya, những chú dê như đang nhảy múa. 'Thật kỳ lạ, sao lại vậy ? Đáng lý giờ này chúng phải đi ngủ thay vì hiếu động như vậy' - người chăn dê kinh ngạc.



Hôm sau, khi dắt đàn dê đi ngang qua chỗ loài cây lạ kia, chúng tỏ ra vô cùng phấn khích, và lặp lại hành vi tương tự đêm trước đó. Không giấu nổi sự hiếu kỳ, người chăn dê bèn gặt một cành trĩu quả nhất đem đến báo cáo sự việc với viện trưởng của tu viện làng. Ông ta tách hạt của trái lạ và nấu chúng với nước uống thử. 'Đắng quá ' - ông gắt lên, rồi quẳng phần còn lại của cành cây vào đống lửa với thái độ vô cùng tức giận. Vài phút sau, khuôn viên tu viện ngập tràn một mùi hương thơm nồng sảng khoái, chưa bao giờ được thấy. 'A ! Ra thế, chúng cần được rang' . Bí mật về cách rang hạt cà phê ' Kaffa ' từ đó ra đời. Cà phê được các tín đồ trong tu viện uống hàng ngày duy trì sự tỉnh táo để cầu nguyện suốt nhiều giờ trong đêm.

Ban đầu vị viện trưởng chỉ chia sẻ khám phá của mình với đồng môn. Thế nhưng lời nói có cánh, không bí mật nào có thể giữ mãi. Danh tiếng về loại nước uống thần kỳ này đã lọt ra khỏi bức tường kiên cố của tu viện và theo hướng đông lan ra khỏi đất nước Ethiopia, mang theo hành trình xuất khẩu cà phê hạt lần đầu tiên tới bán đảo vương quốc Arabia.

Đến năm 1000 sau công nguyên, phương pháp pha chế cà phê được kiểm soát hết sức nghiêm ngặt. Vào thế kỷ thứ 13, cà phê được tôn sùng như một loại thức uống tính ngưỡng chỉ dành riêng cho đạo Hồi. Họ làm mọi cách để giữ bí mật về phương pháp rang cà phê, thậm chí sẵn sàng tuyên án tử cho bất kỳ ai cả gan xuất cà phê xanh ra khỏi biên giới Yemeni. Bên cạnh đó, Arabia cũng nhanh chóng nhìn ra được sự giàu có do cà phê mang lại. Họ đã đúng, đến tận ngày nay cà phê là mặt hàng được tiêu thụ nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau dầu lửa.

Ba trăm năm sau, một học giả Hindu về đạo Hồi, Baba Budan, trong lúc viếng thăm vùng đất Mecca, đã trộm 7 hạt cà phê giống và quấn quanh thân mình, nhập lậu chúng ra khỏi biên giới Yemeni. Nếu bị phát hiện, đối với Baba Budan chắc chắn sẽ là cái chết. Thế nhưng, nhờ có hành động dũng cảm này, mà cả thế giới đã thay đổi hoàn toàn, không chỉ về nhận thức mà còn cách trồng và uống cà phê cho đến ngày nay. Ngọn đồi nơi vị giáo sĩ nhân giống những cây cà phê đầu tiên được vinh danh theo tên của ông, Baba Budan Hills.

Cuộc thập tự chinh đầu thế kỷ 17 của người Châu Âu, mang về quê hương của họ rất nhiều chiến lợi phẩm từ Arabia. Một trong số đó là dung dịch màu đen huyền bí. Khi nó được đem tới Venice, Italia năm 1615, các vị giáo sĩ cơ đốc đã lên án mạnh mẽ rằng đây chính là 'phát minh của quỷ Satan'. Tranh cãi nổ ra vô cùng phức tạp, đến độ đức giáo hoàng Clement đệ VIII buộc phải can thiệp. Tuy nhiên, ngài khăng khăng muốn uống thử thứ nước kỳ lạ này trước khi đưa ra bất cứ một phán xét nào. Ngay ngụm đầu tiên, ngài đã bị nó hoàn toàn mê hoặc. ' Không! Đây không phải là sản phẩm của quỷ dữ. Đây chính là nước thiêng' - ngài phản biện - 'Đây là sản phẩm của đức Chúa Trời'. Nhờ phán quyết sáng suốt của đức giáo hoàng, cà phê phát triển nhanh chóng và len lỏi qua từng ngóc ngách của Châu Âu, từ Austria, Holland cho đến những con hẻm nhỏ ở London, England. Những câu truyện, đề tài bàn tán về cà phê có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi.

1714, thị trưởng Amsterdam, Holland, tặng cho vua Louis XIV của France một cây cà phê làm quà. Nhà vua rất hào hứng và trồng nó trong ngôi vườn yêu thích của mình tại Paris là Jardin Des Plantes. Năm năm sau, Gabriel De Clieu, một sĩ quan hải quân, nhận nhiệm vụ vận chuyển cây cà phê của vua Louis tới vùng thuộc địa Martinique. Chuyến đi rất gian nan không chỉ bởi những cuộc tấn công dồn dập của hải tặc mà còn sự khắc nghiệt của thời tiết đại dương. Có lúc, nước vô cùng khan hiếm và mỗi thuyền viên chỉ được cung cấp một phần rất nhỏ đủ duy trì sự sống. Để đảm bảo nhiệm vụ thành công, Gabriel không ngần ngài dùng phần nước của mình tưới cho cây. Trời không phụ lòng người, cuối cùng Gabriel cũng đã đưa được cây cà phê an toàn tới Martinique, hoàn thành sư mệnh được giao.

1727, hoàng đế Brazil cử Francisco de Mello Palheta đến thuộc địa France Guiana của Pháp để xin một số cây cà phê giống. Thế nhưng tổng đốc vùng đã thẳng thừng cự tuyệt lời thỉnh cầu của Palheta, vì không muốn chia sẻ quốc bảo của đất nước mình. Nhiệm vụ tưởng chừng thất bại, thì vợ của tổng đốc xuất hiện. Thông cảm cho khó khăn của Palheta, vượt hàng ngàn dặm biển mới tới được đây, giờ lại trở về không công. Bà tặng cho ông một chậu hoa như món quà chia tay. Tuy nhiên, đó không phải là chậu hoa thường, ẩn sâu bên trong là hạt giống của cây cà phê, là một trang mới của Brazil trước khi chính thức trở thành đất nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, biến thứ đồ uống xa xỉ này trở thành thức uống phổ thông có thể tìm thấy ở bất kì một thành phố nào, một quán xá nào, một gia đình nào trên thế giới, cho tới tận ngày hôm nay.

Share by: