Blog Post

Vành đai cà phê

Cimbali Vietnam • thg 12 07, 2017



Không phải nơi nào trên thế giới cũng trồng được cà phê. Sau nhiều thế hệ, người trồng cà phê đúc kết được kinh nghiệm rằng, cà phê chỉ có thể trồng ở những nơi có thời tiết mát mẻ quanh năm, lượng mưa dồi dào và nắng dịu. Những vùng đất có điều kiện như vậy thường nằm xung quanh hoặc bên dưới vành đai xích đạo bao gồm Trung Mỹ, Châu Phi, Trung Á và Đông Nam Á, hình thành lên một vành đai cà phê gọi là 'The Bean Belt'. Trong vành đai này, có hơn 75 quốc gia đạt điều kiện để trồng cà phê với thổ nhưỡng là yếu tố tạo nên mùi vị đặc trưng. Những quốc gia có độ ẩm cao sẽ làm cho cà phê bị hút ẩm nhanh, sớm chín và cho ra cà phê có mùi vị rất lạt so với cà phê được trồng ở vùng cao với độ ẩm thấp. Sau đây là danh sách một số khu vực trồng cà phê nổi tiếng:

North America and the Caribbean - Bắc Mỹ và vùng Địa Trung Hải

Hawaii - Bang duy nhất trồng cà phê ở Mỹ. Khi nhắc tới Hawaii người ta không thể không nhắc đến cà phê Kona, trồng trên vùng đất trũng của hai ngọn núi lửa Hualalai và Mauna Loa. Nền đất xung quanh núi lửa có rất nhiều khoáng chất, lượng mưa dồi dào và bóng mây luôn che phủ cái nắng nhiệt đới gay gắt đã giúp cà phê Kona có mùi vị vô cùng đậm đà cùng hương thơm ngây ngất.

Mexico - Cà phê chủ yếu tập trung ở phía nam của đất nước như Veracruz, Oaxaca và Chiapas. Dù chỉ được trồng trong những đồn điền có diện tích khá khiêm tốn, nhưng lượng nông trại cà phê tại Mexico lên tới con số hết sức ấn tượng, 100 000. Cũng chính vì sự đa dạng đó mà Mexico có thị trường cà phê rất phức tạp với nhiều loại cà phê khác nhau. Về cơ bản, chúng có vị khá đậm, hậu bùi tuy nhiên mùi kém nồng.

Jamaica - Điều kiện khí hậu tuyệt vời giúp Jamaica sản xuất ra một trong những loại cà phê ngon nhất thế giới 'Blue Mountain'. Chúng có vị chua thanh thoát, cân bằng hòa với mùi thơm thảo mộc và hậu đậm ngọt. Giá thì không rẻ chút nào, hơn 80 USD / 1kg.

Central America - Trung Mỹ

Costa Rica - Tiếng tăm của cà phê Costa Rica không phải đến từ điều kiện khí hậu hay thổ nhưỡng, mà đến từ sự kỳ công trong quá trình chăm sóc cây cà phê. Hạt cà phê sau khi thu hoạch, được xử lý theo quy trình rất khắt khe. Cà phê Arabica của Costa Rica có độ cân bằng chua, bùi, ngọt là gần như hoàn hảo, cùng có mùi thơm thanh thoát của hoa cỏ mùa xuân.

Guatemala - Hàng trăm năm trước khi núi lửa phun trào, phần dung nham thoát ra tạo nên một nền đất dồi dào khoáng chất, giúp cà phê khu vực này có cấu trúc mùi vị khá tinh tế. 'Strictly Hard Bean' là niềm tự hào của riêng người Guatemala có cấu trúc hạt cứng nhất mà ta có thể tìm thấy trên thị trường cà phê, do được trồng ở độ cao trên 1500m.

Panama - Khi kể về vùng đất Trung Mỹ này, tôi chỉ muốn uống ngay một ly 'Panama Geisha'. Đây là loại cà phê tuyệt hảo để pha cà phê sáng như 'Plunger' hay túi lọc 'Filter'. Mùi vị của loại cà phê này tươi mới, mịn màng tuyệt hảo, là sự kết hợp toàn mỹ giữa vị chua của dâu, ngọt của mật ong, hương thơm của trái đào. Chỉ một số ít nông trại ở Panama mới có đủ điều kiện để tạo ra loại cà phê như vậy. Cái giá mà ta phải trả cho chúng cũng rất chát, hơn 260 USD / 1kg.

South America - Nam Mỹ

Brazil - Đất nước xuất khẩu cà phê lớn nhất chiếm hơn 30% thị phần của toàn thế giới trong suốt 150 năm qua. 80% cà phê ở Brazil là Arabica, còn lại là Robusta được xử lý theo công nghệ bán ướt 'Semi-washed'. Lý do chính giúp cà phê Brazil được ưa chuộng là giá cả tuy bình dân, nhưng chất lượng thượng hạng. Chúng có vị thanh, độ ngọt cao và ít chua.

Colombia - Colombia là nước trồng cà phê rất nổi tiếng. Cà phê Colombia sử dụng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cao một cách đáng kinh ngạc. Giống Mexico, Colombia phân mảnh hệ thống trồng trọt trong những nông trại nhỏ xuyên suốt đất nước, nơi điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng gần như hoàn hảo. Tuy nhiên, địa hình những chỗ như vậy gồ ghề rất khó di chuyển. Cà phê Colombia, đặc biệt là Supremo và Excelso, trung hòa, thanh mỏng, độ chua cân bằng, thơm nức.

Africa and Middle East - Châu Phi và Trung Đông

Ethiopia - Cà phê lần đầu được trồng tại vùng phía nam Ethiopia. Harrar và Yergahcheffe nổi tiếng nhất đất nước này có mùi vị đậm đà, no tròn, độ ngọt cao.

Kenya - Cà phê Kenya thông dụng ở Mỹ và Châu Âu, được trồng dưới chân núi Mount Kenya. Ngoài quy trình xử lý thô và giám sát đặc biệt, Kenya có phương pháp phân loại cà phê xanh độc nhất vô nhị. Sau khi đánh bóng, hạt cà phê có màu rất sáng, mùi vị tinh túy chiết xuất khá giống rượu đỏ. Mùi hương lôi cuốn, vị no tròn và độ chua cao.

Tanzania - Nếu Việt Nam có cà phê 'Culi' nổi tiếng thì Tanzania cũng có giống 'Peaberry'. Khác với các loại cà phê khác, Peaberry chỉ có một hạt duy nhất trong một trái. Được trồng dưới chân ngọn núi hùng vĩ Mount Kilimanjaro, Peaberry có mùi vị độc đáo rất riêng.

Yemeni - Do khí hậu khô, cây cà phê trồng tại Yemeni cho ra hạt có kích thước nhỏ hơn nhiều so với bình thường. Sau khi thu hoạch, cà phê được xử lý khô 'dry-process' để có mùi vị sâu đậm. Yemeni kết hợp cà phê bản địa với giống Java của Indonesia để tạo ra cà phê Mocha Java danh tiếng.

Asia and Indonesia - Châu Á và Indonesia

Java, Indonesia - Ngoài Java, hòn đảo nổi tiếng nhất trong hệ thống quần đảo Indonesia, nơi cho ra cà phê đậm đà, vị ngọt, lâu tan hòa quyện với mùi thơm thảo mộc. Indonesia còn sở hữu một loại cà phê đắt nhất thế giới, cà phê chồn 'Luwak'. Hạt cà phê đi qua hệ thống bài tiết của chồn trước khi được rửa sạch và xử lý, giúp cà phê lên men và có mùi vị hết sức khác biệt. Tuy nhiên, việc thưởng thức loại cà phê kỳ lạ này có cái giá rất khủng khiếp, hơn 350 USD / 1 kg.

Sumatra - Đi xa hơn về cuối bờ tây của Indonesia là hòn đảo yên bình Sumatra. Phía bắc hòn đảo này có một vùng đất gọi là Mandheling, cũng chính là tên gọi của cà phê nơi đây. Hơi chua, khô, mùi vị trung hòa, quyện trong hương vị thảo mộc đặc trưng, rất thích hợp để pha chế cà phê phin lọc.

India - Cà phê trồng tại India khá giống so với cà phê Java của Indonesia. Những hạt cà phê đến từ khu vực Kerala, Karnatka, Tamilnadu là rất ngon. Điểm đặc trưng cà phê ở đây là chúng được thu khi còn xanh, sau đó phơi trong điều kiện thời tiết gió mùa từ 3 đến 4 tháng nhằm giảm độ chua và tăng cường vị ngọt.

Việt Nam - Dù được trồng ở nhiều nơi dọc theo chiều dài đất nước, nhưng đến nay vẫn chỉ có vùng Tây Nguyên là cho cà phê chất lượng ổn định. Là đất nước sản xuất Robusta lớn nhất thế giới, thế nhưng Việt Nam vẫn cần nỗ lực rất nhiều trong việc cải tiến công nghệ trồng và áp dụng quy trình chế biến hiện đại để có thể khẳng định tên tuổi của mình trên thị trường cà phê thế giới.

Nếu có điều kiện du lịch đó đây, thay vì ngồi trong khách sạn uống những ly cà phê pha sẵn, hãy tìm đến một quán cà phê bản địa, thưởng cho mình một tách cà phê, hay đơn giản là mua một ít cà phê hạt về làm quà. Không có một trải nghiệm du lịch nào sống động và tuyệt vời hơn việc nhâm nhi tách cà phê thơm nồng tại chính vùng đất trồng ra nó.

Share by: